Cách làm chân gà sả tắc

  • Sơ chế
    40 phút
  • Nấu nướng
    2 giờ
  • Phục vụ
    3 Người
  • Lượt Xem
    1.818

Mùa đông đến, cảm giác thèm ăn vặt lại trỗi dậy. Món chân gà sả tắc luôn là món ăn vặt được lựa chọn hàng đầu của chị em. Ăn ở cửa hàng thì ngon nhưng cảm giác bẩn bẩn, tặc lưỡi cho qua về nỗi lo chân gà không rõ nguồn gốc vì không thể cưỡng nổi những chiếc chân gà trắng muốt, giòn sần sật, hương thơm hòa quyện của sả, tắc (quất), ớt cùng vị chua cay mặn mặn mới tuyệt vời làm sao.

Tại sao không tự làm món chân gà thần thánh này ở nhà để tự thưởng thức bên người yêu và cùng xem phim tại nhà trên Netflix nhỉ?

Dể có món chân gà sả tắc ngon, chuẩn vị, bí kíp chính là chế biến sao để ra được chân gà màu trắng ngần, vị da giòn sần sật, sau đó là nước cốt ngâm phải thơm dịu và thấm đẫm trong từng chiếc chân gà.

Để có được những chiếc chân gà giòn, ngon bạn cần lưu ý mấy điểm:

  • Chân gà công nghiệp nhiều thịt phù hợp làm món này hơn gà ta. Gà ta tuy chắc nhưng lại quá gầy, ngâm dễ bị teo lại, ăn khô. Tuy nhiên chân gà công nghiệp có đặc điểm là không được thơm như chân gà ta, nên sẽ phải sơ chế kỹ hơn.
  • Chọn chân gà mới, màu sắc tươi tắn, không bị nhớt.
  • Chân gà phải được sơ chế sạch, loại bỏ móng, lột hết phần da mỏng bên ngoài, rửa bằng nước muối loãng nhiều lần.
  • Luộc sơ qua chân gà bằng nước muối loãng, gừng, sả, rượu trắng để khử mùi hôi. Lưu ý là nước sôi rồi mới thả chân gà vào luộc ngập nước trong 2-3 phút (luộc lâu sẽ làm nứt chân gà).
  • Chân gà luộc xong vớt ra cho ngay vào 1 tô nước sôi để nguội pha muối hạt và đá lạnh để chân gà se lại sẽ tạo độ giòn ngon.
  • Rửa lại chân gà sạch sẽ, cho vào túi bọc thực phẩm để ở ngăn mát tủ lạnh để chân gà se lại tạo độ giòn.

Sau đây là hướng dẫn chi tiết về cách làm món chân gà sả tắc ngon sành điệu.

Nguyên liệu

Chỉ dẫn

Bước 1

Chân gà lột sạch lớp da mỏng màu vàng bên ngoài, cắt móng, rửa kỹ với nước. Ngâm chân gà vào thau nước pha thêm 3 chén rượu trắng, muối hạt và vài lát gừng để làm sạch, khử mùi tanh hôi. Rửa sạch kỹ lại sau đó chặt đôi chân gà.

Bước 2

Sả bóc bỏ phần bẹ già bên ngoài, rửa sạch, cắt làm đôi. Phần thân dưới đập dập, băm nhỏ. Phần thân trên ngọn thì dùng dao bổ dọc, xé thành sợi. Ớt tươi rửa sạch. 2/3 số ớt thái lát, số còn lại để nguyên cả quả để tăng tính thẩm mỹ cho món ăn. Tắc (quất) mua về ngâm qua nước muối loãng, rửa sạch, để ráo nước. Xắt quả tắc thành từng lát tròn, tuy nhiên chú ý không nên thái miếng tắc quá mỏng vì khi ngâm, miếng tắc dễ bị nát. Tỏi khô bóc vỏ, có thể đập dập hoặc để nguyên tép hay thái lát. Gừng nạo vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng. Lá chanh rửa sạch, xắt nhỏ để ráo.

Bước 3

Đun sôi nước với ít lát gừng, 1 chút muối hạt, 1 thìa rượu trắng và vài ba nhánh sả để luộc chân gà khử mùi hôi.

Bước 4

Khi nước sôi, thả chân gà vào luộc và không nên đậy vung. Chân gà phải ngập trong nước để chân gà chín đều, không bị khô và không đều màu. Dùng muôi hớt bỏ lớp bọt để nước luộc được trong. Luộc chân gà trong vòng khoảng 2-3 phút là được. Không nên luộc quá lâu, chân gà chín quá sẽ bị nứt lớp da ngoài, để lộ phần xương bên trong sẽ mất đi tính thẩm mỹ của món ăn.

Bước 5

Chân gà sau khi luộc xong thì vớt ra cho ngay vào một tô nước lọc đun sôi để nguội có hòa sẵn chút muối hạt và cho đá lạnh. Muối hạt sẽ giúp chân gà có màu trong đẹp và đá lạnh chính là tuyệt chiêu tạo nên độ giòn của chân gà.

Bước 6

Dùng tay kỳ rửa lại những cặn bẩn còn dính vào các kẽ của chân gà, sau đó rửa lại bằng nước đun sôi đã nguội. Chân gà đã luộc sạch sẽ cho ra một chiếc rổ để ráo nước. Sau đó cho vào túi bọc thực phẩm, để ở ngăn mát tủ lạnh tầm 30 phút để chân gà se lại, tăng thêm độ giòn.

Bước 7

Chế biến nước mắm sả, tắc, ớt. Đun sôi khoảng 1 lít nước. Nước sôi thì cho khoảng 6 thìa đường, 6 thìa nước mắm ngon và khoảng 5 muỗng dấm gạo, 1 muỗng muối vào quấy đều để các gia vị hòa tan. Dùng muôi để hớt bỏ lớp bọt để nước ngâm chân gà được sạch trong. Hỗn hợp nước mắm ngâm này sôi khoảng 1 phút thì tắt bếp để nguội. Đun sôi nước mắm và dấm sẽ khử bớt đi độ gắt và mùi của 2 gia vị này, giúp cho món chân gà ngâm sả ớt thơm và dịu hơn rất nhiều. Sau khi đun sôi nước mắm đường, dấm thì cho sả, ớt, tắc vào quấy đều, để nguội.

Bước 8

Làm nước sốt chấm chân gà. Tắc (quất) rửa sạch, ráo nước thì vắt khoảng 4-5 quả vào 1 cái bát, nhớ bỏ hạt khỏi đắng. Vỏ quất xắt nhỏ cho vào bát cùng với ớt tỏi đã băm nhỏ. Tiếp đó cho 2 thìa đường, 1/2 thìa hạt tiêu, 4 thìa bột canh, 1 thìa sữa đặc, lá chanh xắt nhỏ vào và quấy đều.

Bước 9

Chân gà ngâm sả tắc sau khi hoàn thành có màu trắng hồng tươi tắn, nước ngâm có màu nâu trong và bóng. Các nguyên liệu ngâm cùng như tắc, sả, ớt... vẫn giữ được nguyên màu, xen lẫn vào nhau trông vô cùng đẹp mắt.

Thành phẩm yêu cầu

Chân gà ngâm sả tắc sau khi hoàn thành có mùi thơm đặc trưng của nước mắm quyện với sả, thanh mát của tắc, chút cay nồng ấm áp của gừng, tỏi, hạt tiêu và ớt. Chân gà không chỉ trắng bóng đẹp mắt mà khi ăn còn giòn sần sật, vị cực kỳ đậm đà. Đặc biệt, nhờ vị thanh chua của dấm, tắc mà món chân gà ngâm sả tắc này khi ăn không hề khiến cho người ta có cảm giác bị ngấy. Ngâm chân gà sả ớt trong lọ (hũ) thủy tinh sẽ giúp cho món chân gà ngon, trong, giữ được lâu và đẹp mắt hơn so với ngâm trong hộp nhựa. Diện tích lọ để ngâm chân gà sả ớt cũng cần phải để ý, không nên quá bé và cũng không nên quá to. Chọn những lọ thủy tinh phù hợp sao cho xếp chân gà được vừa vặn nhất. Trước khi xếp chân gà và các nguyên liệu vào, cần rửa sạch lọ ngâm, tráng qua nước sôi nóng và lau thật khô. Bước này sẽ giúp bảo quản món chân gà ngâm sả tắc được cẩn thận hơn. Khi xếp chân gà và các nguyên liệu như sả, ớt, tỏi... thì cần xếp xen kẽ để các nguyên liệu được ngấm đều vào chân gà. Không nên xếp tất cả các nguyên liệu ngâm cùng chân gà dồn lên trên cùng. Phải đợi nước mắm ngâm thật nguội mới đổ vào lọ ngâm chân gà. Nếu đổ nước mắm ngâm còn nóng vào lọ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng, nhớt và nhanh hỏng. Chân gà và các nguyên liệu khác phải ngập trong nước mắm ngâm thì mới thấm đều gia vị, ngon và không bị khô cũng như úa màu. Để loại bỏ tình trạng món chân gà ngâm sả tắc bị đắng, khi thái lát quả quất (tắc) cần loại bỏ lát ở đầu và cuối quả. Lưu ý thêm là không cho tắc (quất) vào bước nấu nước mắm ngâm. Nếu cho tắc vào đun sôi cùng mắm, đường sẽ khiến cho nước mắm ngâm bị đắng, lát tắc sẽ bị nhũn, nát. Có một số người cho luôn lá chanh vào lọ ngâm chân gà sả tắc mà không hề biết lá chanh sẽ khiến cho món ăn vặt cực hấp dẫn này bị đắng. Lá chanh chỉ cho vào khi chân gà ngâm sả ớt đã hoàn thành và tăng vị bùi thơm cho món ăn. Chân gà ngâm sả tắc để trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được đến 4-5 ngày mà vẫn giữ được vị ngon. Lưu ý, khi lấy chân gà ngâm sả tắc, dụng cụ gắp chân gà như đũa, thìa, muôi... cần được để khô và sạch sẽ. Bởi nếu như dính chút nước lạnh hay dầu mỡ thì món chân gà ngâm sả tắc sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng.

Có thể bạn quan tâm